Đồng chí Lê Đức Thọ, tên chính là Phan Đình Khải sinh ngày 10/10/1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Lê Đức Thọ hoạt động cách mạng từ năm 1926, tham gia phong trào bãi khóa và lễ truy điệu nhà chí sỹ yêu nước Phan Chu Trinh. Năm 1928, hoạt động trong Học sinh Hội, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh Đảng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định.
Tháng 10/1929, Lê Đức Thọ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, làm Bí thư chi bộ học sinh và phụ trách công tác thanh niên học sinh. Ngày 7/11/1930, đồng chí Lê Đức Thọ bị thực dân Pháp bắt giam, tra tấn dã man và sau đó bị kết án tù chung thân. Đồng chí đã kiên quyết đấu tranh, chống án, buộc Tòa Thượng thẩm thực dân phải giảm mức án xuống còn 10 năm khổ sai và đày ra nhà tù Côn Đảo; tại đây, đồng chí được tín nhiệm cử vào Ban Thường vụ Chi ủy nhà tù và làm Bí thư chi bộ. Năm 1936, thực dân ở Đông Dương phải trả tự do cho một số tù chính trị, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ. Đồng chí trở lại quê hương Nam Định, tiếp tục hoạt động cách mạng, gây dựng một số cơ sở bí mật của Đảng ở Nam Định, xây dựng đại lý phát hành sách báo để tuyên truyền sách báo của Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin; cùng tập thể cấp ủy Nam Định lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân theo hướng đòi dân sinh, dân chủ.
Năm 1939, thực dân Pháp cho mật thám theo dõi, khám xét, bắt đồng chí và khép tội "phần tử nguy hiểm cho an ninh", kết án 5 năm tù, lưu đày tại các nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội và Sơn La, Hòa Bình. Trong lao tù, đồng chí vẫn luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản, dũng cảm đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của địch, biến nhà tù thành trường học cách mạng, thành nơi đào tạo cán bộ của Đảng.
Năm 1944, hết hạn tù, đồng chí Lê Đức Thọ được Đảng phân công về hoạt động ở An toàn khu (ATK) của Trung ương, phụ trách công tác bảo đảm bí mật, an toàn cho ATK. Đồng chí đã có một số đóng góp tại Hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đêm 9/3/1945 để ra chủ trương phát động cao trào cách mạng đi tới Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Tháng 8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, đồng chí được cử vào Thường vụ Trung ương Đảng, trực tiếp tham gia cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát động và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi.
Công tác tổ chức của Đảng là sự nghiệp hầu như suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ. Trong lao tù ở Côn Đảo, Hòa Bình, hay khi hoạt động ở ATK, ở miền Nam, đồng chí được Đảng và Bác Hồ tín nhiệm giao phụ trách công tác tổ chức của Đảng. Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn dự thảo các văn kiện từ Đại hội III đến Đại hội VI của Đảng. Với nhiệm vụ được giao phụ trách về công tác xây dựng Đảng và công tác tổ chức, đồng chí Lê Đức Thọ đã góp phần vào việc phát triển lý luận về xây dựng Đảng của một Đảng cầm quyền, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng chí trực tiếp chỉ đạo xây dựng Tạp chí Xây dựng Đảng và có nhiều bài viết sâu sắc về công tác tổ chức của Đảng.
Trong cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, với cương vị Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ ta, đồng chí Lê Đức Thọ đã thể hiện một nhà ngoại giao tài ba, nhà thương thuyết có tầm nhìn chiến lược, khôn khéo, "vừa đánh vừa đàm", kiên quyết về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Trong các cuộc đàm phán trực tiếp công khai và nói chuyện với đại diện Chính phủ Mỹ, đồng chí đã chủ động tiến công ngoại giao đến cùng với Mỹ kéo dài trong hơn 5 năm tại Thủ đô Paris, đã làm thất bại mọi âm mưu và phá sản mọi con bài ngoại giao của Mỹ, thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "đánh cho Mỹ cút". Thắng lợi của cách mạng nước ta tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là thắng lợi của trí tuệ, thắng lợi của chính nghĩa, thắng lợi của một dân tộc anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng chân chính có đường lối chính trị đúng đắn, sáng tạo; trong chiến thắng này có đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Đức Thọ. Những hoạt động ngoại giao của đồng chí Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris đã để lại một số bài học kinh nghiệm quý cho nền ngoại giao Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ đã đem hết tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc. Đồng chí xứng đáng là "một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại", và xứng đáng với những "công trạng to lớn vì Đảng, vì Dân" mà Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã tuyên dương. Tấm gương về lòng trung thành tận tụy với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, tinh thần cách mạng dũng cảm, kiên cường, bất khuất, đức tính cần, kiệm, liêm, chính và tình thương đối với cán bộ của đồng chí Lê Đức Thọ được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta yêu thương và kính trọng.