Sau chiến dịch tiến công tổng hợp Hè - Thu 1974, với thế đã vững, lực đã mạnh, ta giành quyền chủ động tấn công trên chiến trường, đẩy địch lún sâu vào thế bị động chống đỡ. Cách mạng miền Nam bước vào giai đoạn mới với thời cơ lịch sử mới để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuối năm 1974 đầu năm 1975, Bộ Chính trị tiến hành những cuộc họp quan trọng, phân tích toàn diện tình hình và quyết định mở cuộc quyết chiến chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, nếu thời cơ thuận lợi thì nhanh chóng kết thúc cuộc kháng chiến trong năm 1975, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.
Chấp hành chủ trương và quyết tâm chiến lược của Đảng, Đảng bộ và quân, dân Bình Định sát cánh cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng khẩn trương chuẩn bị, sẵn sàng bước vào chiến dịch Xuân 1975 với khí thế cách mạng tiến công sôi nổi chưa tùng có.
Phối hợp với chiến trường Tây Nguyên và chiến dịch giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, rạng sáng ngày 4/3/1975 ta cắt đường 19, tạo thế chia cắt chiến lược lợi hại giữa đồng bằng miền Trung và Tây Nguyên. Sư đoàn 3 kiềm chân toàn bộ Sư đoàn 22 quân chủ lực ngụy trên tuyến đường 19, hỗ trợ đắc lực và tạo thế cho quân và dân Bình Định dồn dập tấn công, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn quân ngụy, phá rã bộ máy ngụy quyền, giải phóng và giành quyền làm chủ liên hoàn từng mảng lớn từ bắc vào nam tỉnh, lập hành lang và bàn đạp cho tổng công kích giải phóng Quy Nhơn. Từ ngày 6 - 23/3/1975, quân và dân toàn tỉnh đã diệt 12 đại đội và hàng chục trung đội, loại hơn 4.500 tên địch, giải phóng hoàn toàn 20 xã, mở ra vùng làm chủ liên xã và liên huyện. Trước sức ép mạnh mẽ của ta, địch lui về lập tuyến phòng thủ vùng ven và trung tâm thị xã Quy Nhơn, hình thành dải phòng ngự có chiều sâu hòng buộc ta phải đột phá từ xa, phải vượt qua nhiều tuyến ngăn chặn để chúng có thời gian củng cố lực lượng.
Quyết không để cho địch kịp xoay trở, ngày 24/3/1975, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bình Định họp và ra mệnh lệnh Tổng tiến công, tổng khởi nghĩa giải phóng toàn tỉnh với khẩu hiệu hành động: “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”, “Tất cả cho đánh đổ chính quyền địch”. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Thường vụ Tỉnh ủy, từ ngày 25 - 31/3/1975, các lực lượng vũ trang và quần chúng toàn tỉnh dồn dập tấn công và nổi dậy, bao vây và bứt rút hàng loạt chốt địch, tiêu diệt và làm tan rã lớn ngụy quân ngụy quyền, lần lượt giải phóng hoàn toàn các huyện, dồn địch vào thị xã Quy Nhơn trong thế chống đỡ tuyệt vọng. Phối hợp nhịp nhàng với các mũi tấn công từ bên ngoài vào, quân và dân thị xã Quy Nhơn nổi dậy hỗ trợ các lực lượng vũ trang đánh chiếm nhiều mục tiêu và các cơ quan quan trọng, làm tan rã toàn bộ quân địch.
20 giờ ngày 31/3/1975, đội biệt động Quy Nhơn bắt liên lạc, phối hợp với Tiểu đoàn 50, đặc công Đ30 và Đ20 đánh chiếm, cắm cờ trên tiền sảnh Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh và Trung tâm Tiểu khu Bình Định, cơ quan đầu não về chính trị, hành chính, quân sự của địch. Đây là thời điểm giải phóng thị xã Quy Nhơn với hơn 200.000 dân và toàn tỉnh Bình Định với hơn 900.000 dân.Ngày 1/4/1975, ta chặn đánh tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ tàn quân Sư đoàn 22 quân chủ lực ngụy đã bại trận trên đường 19 tháo chạy về Quy Nhơn hòng tìm lối thoát duy nhất bằng đường biển.
Thắng lợi to lớn của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 ở Bình Định là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng mà trực tiếp là Thường vụ Khu ủy V và Tỉnh ủy Bình Định; sự phối hợp đồng bộ giữa các chiến trường trên toàn miền Nam, giữa quân dân Bình Định với Sư đoàn 3 Sao Vàng; sự hỗ trợ vững chắc của hậu phương lớn miền Bắc; khả năng nắm bắt thời cơ của Đảng bộ tỉnh; truyền thống đoàn kết nhất trí trong Đảng bộ và nhân dân đã được vun đắp và phát huy cao độ trong quá trình tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, Đảng với nhân dân một lòng, quân với dân một ý chí.
Với chiến thắng ngày 31/3/1975, giải phóng hoàn toàn quê hương, Đảng bộ và quân dân Bình Định đã góp phần xuất sắc cùng với cả nước thực hiện trọn vẹn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho ngụy nhào”, tiếp theo chiến công vĩ đại “Đánh cho Mỹ cút”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời góp phần kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta vĩnh viễn độc lập, thống nhất và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.